Một số người có thể hiểu lầm nữ blogger 33 tuổi này đang tổ chức sinh nhật hoặc ăn mừng sự kiện nào đó. Nhưng đó là đoạn khởi đầu cho màn ăn mừng ngày cô kết thúc cuộc hôn nhân bốn năm của mình.
Người phụ nữ đã sử dụng cảnh quay hậu ly hôn và tiệc ly hôn để thông báo tới mọi người về việc đưa tiễn quá khứ và bắt đầu một chương mới trong cuộc đời. Cô trên trang cá nhân: "Nếu biết ly hôn hạnh phúc như vậy, tôi đã ly hôn từ lâu rồi. Tôi sẽ dùng đoạn video này để truyền tải niềm hạnh phúc của mình tới mọi người".
Người xem để lại nhiều bình luận, có ý kiến phản đối cũng có ý kiến ủng hộ cách Tống xử lý hậu ly hôn. Người phản đối cho rằng không nên rùm beng việc vợ chồng chia tay vì không có gì vui vẻ, nhưng những người ủng hộ lại khẳng định "ly hôn đáng được ăn mừng như vậy".
Tống quyết định ly hôn vì phát hiện chồng ngoại tình. Cách đây vài tháng, cô đến Cục Dân chính để nộp đơn ly hôn và phát hiện ra trong hội trường có rất đông các cặp đến đăng ký. Họ thuê thợ chụp ảnh đến ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ trong đời.
"Kết hôn có ý nghĩa lớn như vậy thì ly hôn cũng nên có", Tống chia sẻ ý tưởng này tới Felix, một người bạn cũng là nhà quay phim kiêm nhiếp ảnh gia. Felix sau đó đã quay lại toàn bộ quá trình ly hôn của Tống, từ khi lấy giấy chứng nhận cho đến thực hiện các buổi tiệc theo chủ đề ly hôn.
Đến nay video của Tống đã nhận được 230.000 lượt yêu thích và gần 10.000 bình luận.
Sau khi thực hiện video cho bạn mình, Felix nhận được nhiều lời mời tương tự từ những người chuẩn bị ly hôn, đa phần là nữ giới. Anh thường trò chuyện với khách hàng để lấy ý tưởng mới. Ví dụ sau khi nhận giấy chứng nhận ly hôn, một trong hai người sẽ dùng kéo cắt đôi chữ "Song Hỷ", chỉ còn lại một chữ "Hỷ" (có ý nghĩa là vui vẻ) để chứng minh dù còn một mình nhưng họ vẫn hạnh phúc.
"Ở xã hội hiện đại, ly hôn không còn bị coi là thất bại mà là cách để mọi người nói lời tạm biệt với quá khứ của họ", Felix nói đồng thời khẳng định "mỗi người ở những giai đoạn khác nhau sẽ có nhận thức khác nhau, chỉ cần hài lòng với hiện tại thì cách làm nào cũng có thể chấp nhận được".
Nhưng không phải nhiếp ảnh gia nào cũng cởi mở được như Felix. Lục Bình, người có kinh nghiệm nhiều năm chụp ảnh cưới ở Thâm Quyến gần đây cũng nhận được đề nghị chụp ảnh và quay phim quá trình ly hôn của một khách hàng. Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế khiến người đàn ông này cảm thấy khó chịu.
"Tôi nghĩ việc quay phim hay chụp ảnh ly hôn là việc không đáng để công khai", nhiếp ảnh gia nói.
Khi nhận được lời đề nghị cách đây vài tháng, Lục Bình liên tục hỏi khách hàng liệu họ nghiêm túc không, động cơ và yêu cầu quay phim ly hôn là gì. Nữ khách hàng cho biết cô muốn được chụp ảnh và quay phim với tâm trạng tự nhiên và vui vẻ nhất. Cuối cùng Lục Bình cũng đồng ý, dù trước đó anh nhận ra sự khác biệt lớn nhất giữa quay phim ly hôn và quay phim kết hôn là sự hợp tác của chủ thể.
"Khi kết hôn ai cũng vui vẻ, hầu như họ sẽ luôn hợp tác với bất cứ tư thế nào mà nhiếp ảnh gia yêu cầu. Nhưng khi ly hôn, khả năng cao là cặp đôi không hợp tác, đặc biệt khi tư tưởng hai bên không thống nhất sẽ còn liên quan đến các vấn đề xâm phạm quyền riêng tư", Lục Bình chia sẻ.
Trước khi quay phim, thậm chí người đàn ông này còn chuẩn bị tinh thần mình có thể bị đánh. Sau nhiều lần được nữ khách hàng đảm bảo và ứng trước tiền đầy đủ, cuối cùng anh cũng bắt tay vào công việc.
Vào ngày khách hàng làm thủ tục, Lục Bình rất căng thẳng. Anh đội mũ, đeo kính râm và bịt khẩu trang, cố gắng giữ khoảng cách với hai bên đồng thời giao tiếp ít nhất có thể. Nhưng dù vậy, trong quá trình quay phim chụp ảnh, những người xung quanh, thậm chí cả nhân viên Cục Dân chính cũng nhìn anh bằng ánh mắt kỳ lạ. Sau khi thủ tục ly hôn hoàn tất, người chồng nhanh chóng rời đi, mặc dù người vợ có lúc mỉm cười nhưng Lục Bình vẫn cảm thấy cô ấy đang giả vờ bình tĩnh.
Buổi quay phim kết thúc, Lục Bình đã gửi tin nhắn cho nữ khách hàng, nói rằng đoạn phim sẽ được gửi cho cô qua email. Nhưng sau đó người này trả lời, không muốn đoạn video nữa mà chỉ cần vài bức ảnh. "Đối với nhiếp ảnh gia, đây có thể là một trải nghiệm kỳ lạ. Nhưng với các bên liên quan, đó có thể là một nỗi đau khác khó nói thành lời". Lục Bình cho biết thêm, anh sẽ không nhận thêm bất kỳ lời đề nghị tương tự khác trong tương lai.
Liên quan tới hiện tượng quay phim hay chụp ảnh ly hôn, Vu Hỷ, phó giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu xã hội thuộc Đại học Bắc Kinh nhận định, đây là một trong những hành vi liên quan đến "ăn mừng ly hôn". Theo ông Vu, hành vi này phản ánh những thay đổi trong thái độ của xã hội đối với việc ly hôn cũng như sự khoan dung ngày càng lớn của con người tới hiện tượng này.
"Trước đây mọi người có quan điểm ly hôn sẽ mang đến nhiều tác động và hậu quả tiêu cực cho các bên liên quan, nhưng hiện nay tác động này khác nhau giữa mỗi cá nhân". Ông Vu nói, có một số nhóm người mà việc ly hôn có thể gây tác động tiêu cực, nhưng ở nhóm người khác lại có tác động tích cực đến nhiều mặt như cuộc sống và công việc. Với sự thay đổi của quan niệm này, khi đối mặt với ly hôn, con người đã thay đổi từ khóc lóc, kỳ thị, chán nản sang quan điểm bình đẳng. Đây cũng như một giải pháp tích cực giúp tinh thần bình tĩnh và ổn định, coi đó như một sự kết thúc cái cũ để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.
"Nếu bản thân việc ly hôn đang trở nên trung lập, giống như một sự kiện quan trọng của cuộc đời thì việc ghi lại những khoảnh khắc đó cũng khá hợp lý", ông Vu nêu quan điểm.
Sau khi truyền thông Trung Quốc đưa tin về những trường hợp "ăn mừng ly hôn", không ít người của đất nước tỷ dân đã chớp thời cơ để tăng thêm cơ hội kiếm tiền.
Thời báo China News Weekly đã tiến hành điều tra và phát hiện trên mạng xã hội đã xuất hiện một số nhiếp ảnh gia cung cấp thêm dịch vụ này. Ngoài dịch vụ chụp ảnh ly hôn thông thường, muốn có người chơi guitar và ca hát thêm 100 tệ, thêm 200 tệ để uống rượu và tư vấn tâm lý hậu ly hôn, giảm 50% khi dẫn vợ/chồng mới tới chụp ảnh cưới trong vòng hai năm kể từ khi chụp ảnh hay quay phim ly hôn lần trước đó...
Uncle Fisher, biệt danh của một nhiếp ảnh gia với hàng chục năm kinh nghiệm tại Trùng Khánh chia sẻ, mặc dù ly hôn không còn là điều đáng xấu hổ nhưng anh không nghĩ thị trường này sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới ở Trung Quốc.
"Suy cho cùng ly hôn có nghĩa là mối quan hệ hai bên chấm dứt, chẳng ai thấy hạnh phúc để thuê một nhiếp ảnh gia chụp ảnh, quay phim. Giữa cặp đôi không còn mối quan hệ, ai sẽ tình nguyện trả tiền dịch vụ và những bức ảnh hay đoạn phim này sẽ được đặt ở đâu để không ảnh hưởng tới hạnh phúc tương lai?". Uncle Fisher cho rằng, hiện tại những video ly hôn chỉ là một mánh lới quảng cáo."Nếu có một người nào đó tự nhận mình là một nhiếp ảnh gia ly hôn chuyên nghiệp, tôi thấy thực sự đáng buồn", người này chia sẻ.
Trang Vy (Theo China News Weekly)