Tin tức
Món hàng 'đắt như tôm tươi' mùa dịch, tiểu thương thu về 400 triệu mỗi ngày
Ngày Đăng : Wednesday, June 09, 2021
Theo chia sẻ của một tiểu thương, năm 2020, doanh số của cửa hàng tăng trung bình 200% nhưng ở thời điểm hiện tại, con số này đã tăng 250% so với bình thường.
Đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát trở lại đã khiến phần lớn các phòng gym đóng cửa, trung tâm thể thao, công viên tại Hà Nội buộc phải đóng cửa. Vì thế, nhu cầu sử dụng xe đạp bỗng tăng đột biến, nhiều cửa hàng bán lẻ xe ở Hà Nội ghi nhận doanh số tăng kỷ lục, có ngày bán được 70 - 80 chiếc.
"Bỏ túi" 400 triệu mỗi ngày nhưng cung không đủ cầu
Trước đây, người đi xe đạp ở thành thị thưa vắng, trừ những người thường xuyên tập luyện thể thao bằng xe đạp, thì nay phương tiện này lại được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh.
Không khó để bắt gặp người đi xe đạp và xu hướng này ngày càng nhiều, với đủ mọi lứa tuổi, từ người già, trẻ em đến giới trẻ trên các con phố ở Thủ đô.
Theo Zing, các cửa hàng, đại lý cho biết doanh số, doanh thu thời gian gần đây tăng trưởng đột biến. Bên cạnh đó, bước vào kỳ nghỉ hè, nhu cầu mua sắm xe đạp của các bậc phụ huynh cho con cái cũng có sự thay đổi rõ rệt.
Cụ thể, chợ xe đạp tại nút giao Bà Triệu - Hàm Long được nhiều người tìm đến. Cửa hàng của anh Thanh Tú liên tục đón khách đến xem và mua xe.
Lý giải về nhu cầu xe đạp tăng cao, anh Tú cho rằng các phòng tập gym đóng cửa, nhu cầu đạp xe của người dân tăng cao vì đây cũng là môn thể thao phù hợp với nhiều người trong điều kiện dịch bệnh.
Trải qua 3 đợt dịch COVID-19 , đây là lần hiếm hoi cửa hàng anh ghi nhận mức doanh số cao như vậy. Năm 2020, doanh số của cửa hàng tăng trung bình 200%. Thời điểm này, doanh số của cửa hàng tăng những 250% so với bình thường.
Anh Tú tự nhận mình may mắn khi ngành nghề này không bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Từ lúc mở hàng cho đến khi đóng cửa, có ngày cao điểm cửa hàng anh bán được 70 - 80 chiếc, doanh thu dao động trung bình 400 triệu đồng mỗi ngày.
Trao đổi thêm, anh Tú cho biết phần lớn khách hàng thời điểm này là thanh thiếu niên và gia đình. Theo đó, các dòng xe đạp phổ thông với mức giá dưới 9 triệu đồng đang thu hút nhiều người mua nhất vì chất lượng tương đối tốt, cơ bản, ít hỏng vặt.
Đặc biệt, những dòng xe tầm trung, giá dao động từ 3,5 triệu đến - hơn 7 triệu đồng/chiếc được hút khách hơn cả. Bên cạnh đó, những dòng cao cấp hơn có giá từ 10 - 30 triệu đồng/chiếc, thậm chí lên đến 70 - 80 triệu đồng/chiếc cũng được nhiều khách hàng quan tâm.
Hay như anh Vinh, chủ một đại lý xe đạp khác trên phố Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) cho biết doanh số thời điểm này khác hẳn năm ngoái. Hiện nay, mỗi ngày cửa hàng xe đạp anh cung ứng trung bình 20-30 chiếc. Ngoài khách mua trực tiếp, anh và thợ phải thay nhau đóng hàng chuyển đến các tỉnh khác.
Hiện các thương hiệu xe đạp bán chạy nhất hiện nay là XDS, Giant, Trek, Galaxy, Trinx. Giá thành sản phẩm dao động từ 3,7-150 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện tại cung đang không đủ cầu, khiến anh Vinh tiếc nuối.
Để đẩy mạnh quá trình bán hàng, anh Vinh thiết lập riêng một website và cập nhật hàng ngày. Shopee , Tiki, Lazada… cũng là những sàn thương mại điện tử được anh tận dụng tối ưu.
Theo đại diện hệ thống Aeon Việt Nam cho biết, năm 2020 đơn vị đã ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt trong mảng kinh doanh xe đạp, tiêu thụ xe đạp có thời điểm đã tăng khoảng 200% - 300% so với năm trước và sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2021.
Tuy nhiên, nhiều đơn vị kinh doanh xe đạp cho biết, dù có những thời điểm doanh số mặt hàng này tăng cao, nhưng dịch COVID-19 không phải là yếu tố chính kích hoạt thị trường xe đạp Việt Nam.
Triển vọng bùng nổ của thị trường này đã được nhen nhóm trong khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, mà chưa hoàn toàn bứt phá là do thị trường xe đạp thiếu sự hiện diện của các chuỗi bán lẻ chuyên nghiệp, vận hành bởi đa số các tiểu thương nhỏ lẻ.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng, thị trường xe đạp Việt Nam có tiềm năng về dài hạn. Trong bối cảnh mới, khi kinh tế phát triển, thu nhập bình quân của người dân tăng, nhu cầu đạp xe tăng cường sức khỏe sẽ mở rộng, ngành xe đạp cũng sẽ phát triển theo.
Xu hướng đô thị hóa ngày càng lớn, các khu dân cư mới được xây lên, hạ tầng giao thông đường bộ phát triển, làn đường dành cho xe đạp cũng sẽ được thiết lập cùng với sự chú trọng của Chính phủ cho cuộc sống xanh.
Các chuỗi siêu thị lớn cũng "nhảy" vào bán xe đạp
Thế Giới Di Động - Nhà bán lẻ điện thoại, điện máy lớn nhất Việt Nam đã khai trương 2 cửa hàng bán xe đạp tại vùng ven TP.HCM vào dịp lễ 30/4. Khu vực bán xe được đặt dưới mái hiên của siêu thị Điện Máy Xanh Lê Văn Việt và Nguyễn Duy Trinh, TP Thủ Đức.
"Các cửa hàng thử nghiệm duy trì doanh số mỗi ngày 15 xe đạp/shop. Đây là tín hiệu tốt cho một thử nghiệm. Đến những ngày cuối tháng 5 đã có 6 shop mở bán. Chúng tôi đang nỗ lực để 15 shop đi vào hoạt động trước ngày 15/6 và không có gì ngăn cản con số này x 10 lần vào 31/12/2021", ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO Thế giới Di động cho biết.
Ngay sau khi có kết quả khả quan, TGDĐ đã đặt mục tiêu mở rộng tại Hà Nội và các tỉnh khác với 150 cửa hàng, doanh thu 400 tỷ đồng cho đến cuối năm nay.
Hiện tại, Thế Giới Di Động kinh doanh khá đa dạng các loại xe đạp gồm xe đạp leo núi , xe đạp thể thao, xe đạp cho người di chuyển trong thành thị và xe đạp trẻ em, đến từ các thương hiệu như Thống Nhất, Giant, Martin 107, Asama.
Bản thân ông Đoàn Văn Hiểu Em cũng cho biết đơn vị này nắm giữ nhiều lợi thế khi nhảy sang kinh doanh xe đạp như mặt bằng có sẵn, chỉ là tái sắp xếp lại về layout, diện tích; thậm chí mang xe ra ngoài sân, che bạt, vừa không tốn quá nhiều chi phí, nguồn lực nhưng lại tận dụng được lượng khách hàng đang có.
Hơn nữa, mỗi sản phẩm bán ra có những khuyến mại lớn, ví dụ giảm giá đồng hồ 20-40%, xe đạp 20-30% khi mua kèm TV, tủ lạnh - đây là cách tận dụng những thứ có sẵn để tiết giảm chi phí, tạo khoảng dư để làm khuyến mại cho khách hàng.
Theo nghiên cứu của SSI Research, nhu cầu xe đạp trong nước ở mức 2,5 triệu chiếc/năm. Với giá bán 2-2,5 triệu đồng/chiếc, tổng quy mô của thị trường này rơi vào khoảng 5.000-6.000 tỷ/năm.
Theo Hải Yến
Doanh nghiệp và tiếp thị